Pizza 4P’s là thương hiệu pizza được sáng lập bởi cặp vợ chồng người Nhật Yosuke Masuko – Sanae Tagasuki. Chiến lược marketing của Pizza 4P's được coi là một trong những case thành công nhất được nhiều thương hiệu F&B học hỏi.
Từ một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, Pizza 4P’s này hiện đã có mặt tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng với tổng cộng 24 chi nhánh. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chiến lược marketing của Pizza 4P's theo mô hình marketing mix 7P ngành dịch vụ.
1. Product - Chiến lược sản phẩm của Pizza 4P'S
Pizza 4P’s tuyên ngôn là luôn sử dụng nguyên liệu tươi và đến thời điểm hiện tại, họ vẫn luôn giữ đúng lời hứa của mình. Đó là một trong những điều mà các nhãn hàng nên học tập và làm theo. Trong chiến lược marketing của Pizza 4P, đối với ngành F&B mà nói việc giữ cho chất lượng sản phẩm ổn định là một điều bắt buộc phải làm.
Pizza 4P’s được biết đến nhiều hơn cả với sản phẩm chất lượng. Bên cạnh các loại pizza làm nên tên tuổi, Pizza 4P’s còn nổi tiếng với mỳ cua. Pizza 4P’s đã khéo léo trong việc chọn ra sản phẩm chính để đẩy mạnh truyền thông. Thay vì liên tục nói về pizza như những thương hiệu khác, Pizza 4P’s chọn một hướng marketing khác: tập trung sâu vào một sản phẩm nhánh riêng biệt chưa ai có trên thị trường.
Nhờ vậy, Pizza 4P’s nổi bật so với các đối thủ và mỳ cua trở thành một trong những món không thể thiếu khi khách hàng đến thử Pizza 4P’s trong lần đầu tiên và khi quay trở lại trong nhiều dịp sau đó
Câu chuyện về nguyên liệu là một câu chuyện nhất quán mà Pizza 4P’s theo đổi trong suốt nhiều năm phát triển của mình. Pizza 4P’s cam kết sử dụng nguyên liệu tươi ngon, được thương hiệu đặt hàng từ các nông trại hữu cơ hoặc tự xây dựng nhà máy chế biến như các loại phô mai.
2. Price - Chiến lược giá của của Pizza 4P'S
Giá thành của Pizza 4P’s thuộc phân khúc cao cấp. 4P’s có nhiều cách để khách hàng cảm thấy mức giá đó xứng đáng so với những dịch vụ tận tình, chu đáo mà nhân viên mang lại. Trong phân khúc khách hàng mà Pizza 4P’s nhắm đến, phân khúc người có thu nhập cao sẽ đến ăn tại 4P's thường xuyên và trải nghiệm như một bữa ăn thường ngày. Còn đối với những người có thu nhập trung, trải nghiệm tại 4P's không quá nhiều, bởi vậy họ có thể yêu cầu cao hơn về dịch vụ và sản phẩm.
Khi xác định chiến lược giá, Pizza 4P’s định giá theo chiến lược Premium pricing - đặt giá dựa trên trải nghiệm mang lại được cho khách hàng (mức cao hơn thị trường và đem lại một trải nghiệm cao cấp hơn). Một bữa ăn của khách hàng tại Pizza 4P’s sẽ khoảng 200.000-300.000 một người. Đây là mức giá hợp lý cho một bữa ăn khá cao cấp nhưng phân khúc này có nhiều đối thủ. Bởi vậy, Pizza 4P’s cần không ngừng cải thiện chất lượng và dịch vụ trước khi bị các thương hiệu khác vượt qua
3. Place - Chiến lược địa điểm của Pizza 4P'S
Đối với nhiều mô hình kinh doanh F&B thì địa điểm chính là chiến lược quan trọng của doanh nghiệp. Từ những ngày đầu, Pizza 4P’s không sở hữu một mặt tiền ăn khách, cửa hàng chỉ nằm tại một con hẻm nhỏ. Ấy là những ngày Pizza 4P’s chỉ phát triển nhờ vào chất lượng sản phẩm và sự truyền miệng của những khách hàng yêu thích hương vị. Sau này, khi mở rộng ra nhiều thị trường mới hơn, Pizza 4P’s đã tập trung vào những mặt bằng có ý nghĩa lớn về cả mặt ý nghĩa lẫn các yếu tố tiện lợi như: diện tích, giao thông. Hầu như, các cửa hàng đầu tiên của Pizza 4P’s đều nằm ở những con đường đắt khách, mặt tiền đẹp, điều này khiến 4P’s có thể thu hút được nhiều khách hàng vãng lai. Địa điểm cũng là điểm quan trọng để Pizza 4P’s ghi dấu trong tâm trí khách hàng về một thương hiệu cao cấp, sang trọng trên những trục đường đẹp bậc nhất của thành phố.
Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp tại cửa hàng, Pizza 4P’s còn phát triển các kênh phân phối online như giao hàng tại nhà hoặc phân phối các sản phẩm đông lạnh tại các siêu thị để sản phẩm đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn. Trong thời gian đại dịch diễn ra mất kiểm soát, kênh bán hàng online là một kênh quan trọng hàng đầu cần được tập trung trong chiến lược marketing của Pizza 4P’s.
4. Promotion - Chiến lược xúc tiến bán của Pizza 4P'S
Pizza 4P’s không sử dụng quá nhiều chương trình giảm giá như một chiến lược xúc tiến bán để thu hút khách hàng. 4P's lặp đi lặp lại các thông điệp nhất quán trên các kênh truyền thông như: Page Facebook, Instagram, Website bên cạnh một số chiến lược PR, kết hợp với các bên như Vietcetera hay Brandsvietnam để lan tỏa giá trị thương hiệu. PR là là chiến lược quan trọng nhất giúp cho Pizza 4P’s lan tỏa những sứ mệnh, tầm nhìn của thương hiệu trong phát triển kinh doanh và giúp cho khách hàng trung thành, yêu quý Pizza 4P’s hơn.
Ngoài ra, Pizza 4P’s cũng truyền thông qua KOLs, kích thích sự tò mò của khách hàng để đưa họ đến thử tại nhà hàng. Giai đoạn sau đó, Pizza 4P’s bắt đầu mở rộng booking đến Influencer để lan tỏa, tăng độ nhận biết thương hiệu. Sự thành công lớn trong chiến lược marketing Pizza 4P’s trong những ngày đâu không đến từ truyền thông nhưng truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa Pizza 4P’s trở thành thương hiệu pizza quốc dân.
5. People - Chiến lược con người của Pizza 4P'S
Con người - nhân viên là những người tiếp xúc với khách hàng đầu tiên và có khả năng quyết định đến trải nghiệm của khách hàng tại nhà hàng. Bởi vậy, việc đào tạo con người và truyền thông văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển lâu dài và bền vững của Pizza 4P’s. Tại Pizza 4P’s, mặc dù chất lượng sản phẩm lên xuống khá thất thường trong thời gian gần đây, nhân viên của Pizza 4P’s vẫn luôn được khách hàng đánh giá cao về thái độ và sự tận tâm trong phục vụ.
6. Process - Chiến lược vận hành của Pizza 4P's
Quy trình vận hành của Pizza 4P’s khá chuyên nghiệp và rõ ràng nhờ vào quy trình đào tạo nhân viên bài bản để chuỗi mắt xích trong quá trình phục vụ khách hàng diễn ra khá chuyên nghiệp và bài bản. Chiến lược vận hành hay Process được coi là một bài toán về tối ưu quy trình, về chi phí cơ hội.Yếu tố công nghệ chính là một trong những giá trị quan trọng trong chiến lược marketing của Pizza 4P’s. Nhờ vào việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ, nhiều quy trình rườm rà phức tạp đã được loại bỏ để thay bằng công nghệ như gọi món, thanh toán, giao hàng. Nhờ vậy, khách hàng được trải nghiệm ẩm thực trơn tru hơn.
7. Physical evidence - Chiến lược về bằng chứng hữu hình của Pizza 4P's
Bằng chứng hữu hình - không gian mà Pizza 4P’s tạo cho khách hàng là một không gian sáng tạo, lộng lẫy và sang trọng. Đặc biệt, bếp chế biến được thiết kế mở để khách hàng được tận mắt chứng kiến những sản phẩm của mình được hoàn thành như thế nào. Đây chính là một điểm quan trọng giúp cho Pizza 4P’s dành được cảm tình lớn và trở nên viral trong một thời gian khá dài. Không chỉ không gian chung, khách hàng khi đến với Pizza 4P’s còn được trang bị những dụng cụ ăn uống tinh tế, góp phần quan trọng trong trải nghiệm của khách hàng.
Kết luận
Câu chuyện của Pizza 4P's là một câu chuyện truyền cảm hứng về một thương hiệu tử tế trong sản phẩm, và trong câu chuyện phát triển doanh nghiệp. Các chiến lược marketing của Pizza 4P’s được kết hợp vô cùng khéo léo và tài tình để đưa đến cho khách hàng những câu chuyện và cảm nhận sâu sắc về thương hiệu, từ ấy khách hàng gắn bó và yêu quý Pizza 4P’s hơn
Comments